Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học do PGS.TS. Trần Nho Thìn biên soạn là một trong những cuốn sách thuộc mảng sách chất lượng cao, được xuất bản hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (1957-2017).
Cuốn sách tập trung làm rõ vị trí, vai trò của văn hóa và đề xuất phương pháp tiếp cận căn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học. Lấy con người làm trung tâm, tiếp cận nội dung văn học qua các mối quan hệ của con người với thiên nhiên, với xã hội và với chính bản thân mình, Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu , giảng dạy văn học đề cập đến vấn đề con người trong văn học từ các góc nhìn của văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử với cảm xúc, văn hóa ứng xử giới, văn hóa ứng xử với cộng đồng…
Sách cũng trình bày một số khía cạnh của sự vận động, biến chuyển của văn học Việt Nam từ văn học trung đại sang văn học hiện đại để nhấn mạnh rằng, văn hoá có thể biến đổi, tuy chậm hơn những thay đổi về chính trị-xã hội.
Sách liên hệ với những văn bản tác phẩm hiện được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn hiện hành, đặc biệt là các tác phẩm trong chương trình Trung học phổ thông. Đây có thể là những gợi ý cần thiết cho các giáo viên đang giảng dạy môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông hiện nay về những công việc cần làm khi giảng dạy một tác phẩm văn học.
Sách gồm 6 chương:
Chương 1: Con người trong văn học từ góc nhìn văn hóa chính trị.
Chương 2: Con người trong văn học nhìn từ góc độ văn hóa ứng xử với thiên nhiên
Chương 3: Con người trong văn học và văn hóa ứng xử với thân thể
Chương 4: Con người và văn hóa ứng xử với cảm xúc
Chương 5: Người nam và người nữ trong văn học nhìn từ văn hóa ứng xử giới
Chương 6: Con người cộng đồng và con người cá nhân trong văn học
Cuốn sách cho thấy nỗ lực trong việc lý luận hóa một phương pháp nghiên cứu văn học còn khá mới mẻ và cũng không đơn giản, đồng thời thể hiện quan điểm của tác giả về ý nghĩa, vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Giới thiệu về CÔNG TY TNHH SÁCH VÀ TBGD ONLYGOL......