Tác giả: Lưu Thu Thủy (CB), Lê Thị Tuyết Mai, Ngô Quang Quế, Bùi Sỹ Tụng
Số trang: 120
Khổ sách: 17 x 24 cm
A. NỘI DUNG GIÁO DỤC:
I. Nội dung giáo dục thể chất:
1. Giáo dục ý thức về thể chất
Giúp cho học sinh có những tri thức về:
- Thể dục : các bài tập thể dục buổi sáng và giữa tiết học; các môn thể thao và các trò chơi…
- Vệ sinh cơ thể: giữ vệ sinh cơ thể, bảo vệ và phòng chống những bệnh thông thường khi thay đổi thời tiết, ..
- Vệ sinh dinh dưỡng: biết những loại thức ăn cần cho cơ thể phát triển, ăn uống hợp vệ sinh.
- Vệ sinh môi trường: vệ sinh trường lớp và nơi công cộng.
2. Giáo dục thái độ đối với thể chất
Giúp cho học sinh có nhu cầu, hứng thú, say mê đối với việc rèn luyện thân thể; giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường.
3. Rèn luyện kỹ năng và thói quen rèn luyện thân thể, vận động và vệ sinh
- Kỹ năng và thói quen rèn luyện thân thể được thực hiện qua các bài tập thể dục và thể thao hằng ngày.
- Hình thành và hoàn thiện các kỹ năng và kỹ xảo vận động như đi, chạy, nhảy cao, ném, thăng bằng…
- Kỹ năng vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường, phòng và chữa các bệnh thông thường.
II. Nội dung giáo dục lao động:
1. Ý nghĩa của giáo dục lao động:
Xuất phát từ vai trò của lao động đối với sự phát triển xã hội và phát triển con người, giáo dục lao động trong nhà trường là một nội dung quan trọng của sự phát triển nhân cách toàn diện. Nó là một nội dung giáo dục cơ bản và là một con đường, một nhiệm vụ trung tâm của nền giáo dục toàn diện trong nhà trường Việt Nam.
Giáo dục lao động (GDLĐ) cho HS tiểu học có ý nghĩa rất quan trọng: Nó góp phần tạo nên thái độ và thói quen hoạt động tích cực cho thế hệ trẻ. GDLĐ, nếu được thực hiện tốt sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả của các mặt GD khác : GD trí tuệ, đạo đức, thẩm mĩ và thể chất. Đặc biệt là qua đó có thể hình thành cho HS tiểu học thái độ học tập tích cực, chủ động và sáng tạo.
2. Mục đích và nhiệm vụ:
Mục đích giáo dục lao động trong nhà trường là chuẩn bị cho thế hệ trẻ có những phẩm chất và năng lực cần thiết của người lao động và để phát triển nhân cách toàn diện cho HS.
Do đó, giáo dục lao động cho HS tiểu học cần phải thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
- Truyền đạt và lĩnh hội hệ thống tri thức cơ bản về các loại hình lao động phổ biến, giúp học sinh nắm vững nguyên tắc chung của lao động, những kĩ năng sử dụng các công cụ lao động phổ thông, phổ biến, những hiểu biết ban đầu về kinh tế, bước đầu hình thành tư duy kĩ thuật, sáng tạo và tổ chức lao động tập thể.
- Hình thành những cơ sở ban đầu của phẩm chất người lao động trong thời đại mới, những thói quen và kĩ năng lao động tập thể, kết hợp lao động trí óc và lao động chân tay, giữ gìn vệ sinh trong lao động .v.v.
- Tạo mọi điều kiện hợp lí để học sinh vận dụng tri thức, kĩ năng vào cuộc sống. Giúp học sinh bước đầu đóng góp sức mình xây dựng xã hội.
- Kết hợp với giáo dục trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và đạo đức nhằm hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho HS.
Những nhiệm vụ trên của giáo dục lao động được thực hiện bằng cách tổ chức học tập và các loại hình hoạt động lao động vừa sức.
3. Những loại hình giáo dục lao động chủ yếu:
a) Học tập:
- Tổ chức cho học sinh học tập một cách có kế hoạch, có tổ chức khoa học, yêu cầu học sinh thực hiện việc học tập có nền nếp, kỉ luật và nỗ lực ý chí, tích cực, tự giác cao là một con đường để rèn luyện phẩm chất của người lao động mới.
b) Học lao động
- Muốn trở thành người lao động, biết lao động thì phải học lao động. Trước hết là học tri thức văn hoá − khoa học. Đồng thời rèn luyện những kĩ năng thực hiện các loại hình lao động phổ biến.
- Việc học tri thức và rèn luyện kĩ năng lao động là hai mặt thống nhất biện chứng, tạo nên năng lực lao động cho học sinh. Do đó, trong quá trình giáo dục giáo viên cần phải chú trọng cả mặt lí thuyết về lao động lẫn thực hành, thực tế.
c) Thực hiện các loại hình lao động vừa sức:
- Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động lao động phù hợp với trình độ, sức khoẻ và đặc điểm tâm lí như : lao động tự phục vụ, công ích .v.v.
- Việc tổ chức lao động cho học sinh còn có ý nghĩa to lớn đối với việc giáo dục những phẩm chất đạo đức con người lao động mới như tính tập thể, tính tổ chức, kỉ luật, ý thức tự giác, thói quen làm việc khoa học ...
- Nhà trường phải chủ động phối hợp với gia đình và địa phương để tổ chức cho học sinh. Nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng những cơ sở vật chất cần thiết như: vườn trường, xưởng trường.
- Yêu cầu tổ chức lao động cho học sinh tiểu học :
- Đảm bảo tính giáo dục của LĐ, tránh sự lạm dụng sức lực của học sinh nhằm mục đích kinh tế đơn thuần.
- Chú ý đến đặc điểm lứa tuổi và đặc điểm cá biệt của học sinh tránh những công việc nặng nhọc hoặc thời gian lao động quá dài.
d) Lao động công ích
- Lao động công ích là loại hình lao động phục vụ lợi ích xã hội như : Giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ ; tu sửa, chăm sóc các công trình công cộng như công viên, nghĩa trang, đường phố ; lao động để lấy tiền cứu trợ (công tác từ thiện) ; trồng cây gây rừng, giúp đỡ các gia đình khó khăn, neo đơn .v.v.
- Yêu cầu tổ chức lao động công ích : Lựa chọn những công việc mang ý nghĩa xã hội cao để động viên đông đảo học sinh tự giác tham gia. Cần phải kết hợp với Đội TNTP Hồ Chí Minh để tổ chức các buổi lao động có ý nghĩa xã hội − nhân đạo.
e) Lao động tự phục vụ:
- Là loại hình lao động mà học sinh phải hoạt động trong cuộc sống hằng ngày, có liên quan đến việc phục vụ cho đời sống cá nhân và gia đình học sinh, có tính chất tự phục vụ.
Ví dụ : Ở nhà: công việc nội trợ, sắp xếp, sửa chữa đồ dùng gia đình và cá nhân, chăm sóc gia súc gia cầm, chăm sóc em nhỏ, làm các công việc phục vụ học tập, công việc nữ công gia chánh.
Ở trường: tu sửa, trang trí lớp học, xây dựng vườn trường, sân trường, trồng hoa, trồng cây, vệ sinh làm đẹp lớp, đẹp trường .v.v.
- Cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để tổ chức tốt lao động tự phục vụ cho các em.
- Chú ý đến việc biến lao động tự phục vụ thành thói quen, nếp sống.
- Tóm lại : Có rất nhiều loại hình lao động khác nhau. Mỗi loại hình có có những ý nghĩa GD khác nhau. Trong QTGD, cần có sự lựa chọn, phối hợp chúng trong những hoàn cảnh cho phép, theo cơ cấu hợp lí để mang lại kết quả giáo dục cao.
4. Những yêu cầu chung:
- Hoạt động lao động phải tạo ra được giá trị vật chất, tinh thần phục vụ cho lợi ích xã hội. Giá trị đó càng lớn thì ý nghĩa GD của lao động càng cao.
- Giúp HS nhận thức đầy đủ những giá trị xã hội của hoạt động lao động.
- Ngăn ngừa, khắc phục những tư tưởng vụ lợi, ích kỉ, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, lợi ích xã hội.
- Mọi hoạt động lao động của học sinh trong nhà trường phải được tổ chức trong tập thể, hoạt động chung, hoạt động cùng nhau.
- Đảm bảo vừa sức của hoạt động lao động. Công việc lao động phải phù hợp với khả năng của học sinh về mặt sức khoẻ, thể chất lẫn mặt tâm lí lứa tuổi cũng như những đặc điểm cá nhân học sinh.
- Tổ chức nhiều loại hình lao động khác nhau, lựa chọn, phối hợp chúng một cách hợp lí để tổ chức giáo dục lao động cho học sinh. Nó tránh được sự nhàm chán, tăng cường hứng thú và tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện được các kĩ năng lao động trong các hoàn cảnh, các công việc khác nhau.
- Tổ chức lao động thường xuyên. Giáo dục lao động cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt QTGD : Làm cho tri thức, kĩ năng, thói quen lao động được rèn luyện, củng cố vững chắc, có hệ thống. Giáo dục lao động cần phải có nội dung, chương trình, kế hoạch, tránh tình trạng lao động một cách tuỳ tiện, theo thời vụ....
- Đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động kết hợp với việc rèn luyện ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường.
B. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NGOÀI GIỜ LÊN LỚP:
I. Vị trí:
- Quá trình sư phạm tổng thể gồm quá trình dạy học và quá trình giáo dục (theo nghĩa tương đối hẹp).
- Quá trình dạy học và quá trình giáo dục bổ sung, hỗ trợ, thống nhất, gắn bó hữu cơ với nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển trong toàn bộ quá trình phát triển chung của trẻ.
- Quá trình dạy học không những nhằm giúp người học lĩnh hội các tri thức khoa học một cách hệ thống mà còn nhằm hình thành nhân cách toàn diện thông qua các môn học cụ thể trong chương trình; Đồng thời tạo cơ sở cho toàn bộ quá trình giáo dục đạt hiệu quả.
- Quá trình giáo dục tổ chức giúp người học nắm được những nội dung: hệ thống tri thức, thái độ, kĩ năng, hành vi ứng xử và thói quen hành vi thể hiện trong cuộc sống của cộng đồng, của xã hội. Từ đó hình thành ở người học những mặt xã hội, tâm lí, thể chất, cách ứng xử đúng đắn thông qua các mối quan hệ cùng nhau trong tập thể, trong nhóm, trong các hoạt động học tập, lao động, vui chơi, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động xã hội.
- Cùng với dạy học ở trên lớp, thì HĐGDNGLL là một bộ phận rất quan trọng và vô cùng cần thiết trong toàn bộ quá trình dạy học – giáo dục ở nhà trường phổ thông nói chung và của trường tiểu học nói riêng. Hai bộ phận này gắn bó hỗ trợ với nhau trong quá trình giáo dục.
- HĐGDNGLL là hoạt động được tổ chức ngoài giờ học các môn học. HĐGDNGLL là hoạt động nối tiếp và thống nhất hữu cơ với hoạt động giáo dục trong giờ học trên lớp. Nó là cầu nối giữa công tác giảng dạy trên lớp với công tác giáo dục học sinh ngoài lớp.
- HĐGDNGLL :
+ Giúp học sinh củng cố, bổ sung những kiến thức đã được học qua các môn học ở trên lớp.
+ Phát triển sự hiểu biết của học sinh trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ đó làm phong phú thêm vốn tri thức của học sinh.
+ Làm cơ sở giúp học sinh tự so sánh bản thân với người khác.
+ Hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng ban đầu, cơ bản, cần thiết phù hợp với sự phát triển chung của các em (kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tham gia các hoạt động tập thể, kĩ năng nhận thức,…).
+ Giúp học sinh hình thành và phát huy tính chủ thể và tính tích cực, tự giác trong việc tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội. Trên cơ sở đó, bồi dưỡng cho các em thái độ đúng đắn với các hiện tượng tự nhiên và xã hội, có trách nhiệm đối với công việc chung.
– Điều đó chứng tỏ HĐGDNGLL là cầu nối giữa hoạt động giảng dạy và học tập ở trên lớp với giáo dục học sinh ở ngoài lớp thông qua các hoạt động lao động, văn nghệ, xã hội, thể dục thể thao… Hay nói cụ thể hơn, đó là sự chuyển hoá giữa giáo dục với tự giáo dục, chuyển hoá những yêu cầu về những chuẩn mực hành vi đã được quy định thành hành vi và thói quen tương ứng. Muốn cho sự chuyển hoá này diễn ra thì phải thông qua các hoạt động học tập, lao động, sinh hoạt tập thể, xã hội, vui chơi giải trí và qua giao lưu với bạn bè, với các thầy, cô giáo, với cha mẹ và mọi người xung quanh…
− Học sinh tiểu học là lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên, sống bằng tình cảm. Vì thế, HĐGDNGLL lại càng cần thiết và quan trọng nhằm giúp trẻ làm quen với các hoạt động, tích luỹ dần dần những kinh nghiệm thực tiễn của cuộc sống; đồng thời, HĐGDNGLL cũng đáp ứng những nhu cầu, quyền lợi của trẻ. Và đây cũng là con đường để giúp trẻ hình thành và phát triển toàn diện nhân cách.
Giới thiệu về CÔNG TY TNHH SÁCH VÀ TBGD ONLYGOL......